Hiện nay theo số liệu thống kê về tài nguyên rừng, Việt Nam ta có khoảng 6 triệu ha rừng dễ cháy, bao gồm các loại như: rừng thông, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng phi lao… Vì vậy, chúng ta cần tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng nhất là trong mùa hè và mùa khô.
1. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng hiện nay
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng gay gắt, hanh khô diễn ra trên diện rộng, nhiệt độ cao trên 40 độ C dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cảnh báo cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường ở Việt Nam làm nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng và cháy lớn ngày càng nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê của Cục Kiểm lâm trong vòng 40 năm qua, tổng số vụ cháy rừng đã lên đến trên 47.000 vụ, diện tích thiệt hại khoảng 633.000 ha, thiệt hại về tiền ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Các vụ cháy rừng diễn ra ngày một nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cùng với đó là thiệt hại do lũ lụt gây ra, bên cạnh những vùng hạn hán thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và tác động không nhỏ đến đời sống của con người.
Trong những năm gần đây công tác phòng cháy chữa cháy rừng đã được kiểm lâm, các chủ rừng và chính quyền địa phương cùng các cơ quan chuyên môn quan tâm chú trọng, vì vậy thiệt hại rừng do cháy gây ra có phần giảm đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp trong hai năm gần đây thì cả nước đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng 3000 ha. Có thể thấy các vụ cháy rừng đã được giảm đi đáng kể.
Theo thống kê, các vụ hỏa hoạn, cháy rừng diễn ra ở Việt Nam có nguyên nhân chủ yếu là 90% do con người, khoảng vài phần trăm là do thiên tai. Nguyên nhân còn lại là do các nhân tố cộng hưởng làm cho cháy rừng xảy ra như: vật liệu cháy – tầng thảm mục dày, đặc biệt các vật liệu cháy tinh vô cùng nhỏ và dễ bắt lửa. Bên cạnh đó, nhiệt độ khô hanh khô kết hợp với gió làm ngọn lửa bùng phát và lan nhanh. Ngoài ra, do việc trồng rừng thuần loài để phát triển kinh tế, quá trình trồng rừng không quan tâm việc xây dựng các đai xanh hoặc đai trắng để cản lửa làm cản trở cho công tác chữa cháy.
2. Các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng
Để thực hiện tốt và có hiệu quả phương án phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô, nhất là khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Hệ thống quản lý chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng. Khi có cháy xảy ra, công tác chỉ đạo, điều hành được xuyên suốt từ đó công tác phòng cháy, chữa cháy mới đạt được hiệu quả cao.
Chính quyền địa phương, kiểm lâm và chủ rừng phải phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đối với những người dân sống gần rừng, có nương rẫy thì cần phải có cam kết khi xử lý thực bì, báo cho kiểm lâm địa bàn và chủ rừng biết, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt phòng cháy chữa cháy.
Mỗi năm, các đơn vị chủ rừng phải xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; kiểm lâm kiểm tra giám sát thường xuyên trong việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy.
Khi xây dựng phương án trồng rừng, chúng ta cần phải có phương án phòng cháy như tạo băng xanh hoặc băng trắng xen kẽ, có thể kết hợp với đường vận chuyển lâm sản; những khu có điều kiện thuận lợi có thể tạo ra hồ chứa nước làm nguồn nước chữa cháy.
Một số vùng có điều kiện thuận lợi có thể đốt trước các thảm thực bì dưới tán rừng để giảm vật liệu chữa cháy vào mùa khô (chẳng hạn như ở Lâm Đồng trước khi vào mùa khô, người ta thường xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng thông).
Theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên đặc biệt là trên hệ thống cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm, từ đó xác định được cấp dự báo cháy rừng để có biện pháp phòng ngừa.
Lực lượng kiểm lâm cùng đơn vị chủ rừng và địa phương hàng năm cần phải tổ chức diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời xây dựng lực lượng chữa cháy rừng chuyên trách.
Tăng cường đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng về các hạng mục phòng cháy cũng như các dụng cụ chữa cháy, qua đó nâng cao hiệu quả chữa cháy rừng.
Trong mùa khô cao điểm cần kiểm tra thường trực 24/24 nhằm kiểm soát chặt chẽ; giảm thiểu những nguy cơ bị cháy rừng hoặc phát hiện được địa điểm cháy kịp thời. Khi phát hiện cần nhanh chóng huy động lực lượng để tham gia chữa cháy, xử lý kịp thời.
Trên đây là các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng mà phòng cháy chữa cháy An Tâm đã cung cấp đến bạn đọc. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức trong việc chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh của trái đất..